Cậu bé Danny đi chơi vườn bách thú cùng cha. Khi họ đến chuồng hà mã, Danny dừng lại và nhìn chằm chằm vào con vật một cách sửng sốt.
“Bố ơi, bố nhìn này”, Danny gọi, “Con hà mã này rất giống cô Matilda!”
“Con yêu, nói như vậy là bất lịch sự đó”, người cha nói.
“Nhưng bố à”, Danny trả lời, “Con không nghĩ con hà mã hiểu được những điều con đang nói...”
Ảnh minh họa (tuoitre.vn)
***
Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống này chưa? Bạn hào hứng kể với một người bạn về chuyến đi đến đảo Santorini ở Hy Lạp. Bạn miêu tả về các bãi biển có đá bazan đen, đi xe scooter vào thành phố. Bạn vẫn tiếp tục khoe khoang một cách hào hứng về việc bạn có thể mặc cả tiền thuê phòng khách sạn. Bạn cũng miêu tả một cặp vợ chồng người Anh mà bạn gặp ở quán cà phê, và còn nhiều chuyện khác nữa. Khi bạn đang kể lể câu chuyện cảm động này thì người bạn cắt ngang : “Thế cậu có biết Jenny và Andrew sẽ kết hôn không?”...
Câu hỏi này liên quan đến một số thứ đã được nhắc đến. Tình huống này xảy ra ở hầu hết các cuộc trò chuyện. Việc bạn kể lại chuyến tham quan của bạn ở Hy Lạp gợi cho người bạn đó nhớ đến một chủ đề hoàn toàn khác, có liên quan đến một từ ngữ, một câu chữ hay một ý tưởng trong câu chuyện bạn kể.
Có thể là ý nghĩ về Santorini thơ mộng đã gợi cho cô ấy nhớ về một đám cưới. Hay cũng có thể từ “chiếc xe scooter” gợi cho cô ấy nghĩ đến Scotland, nơi Jenny và Andrew dự định sẽ đi hưởng tuần trăng mật.
Khi ai đó bỗng nhiên chuyển sang một chủ đề khác trong cuộc trò chuyện thì điều này chắc chắn là có lý do!
Nếu bạn đột nhiên nhớ ra bạn cần phải trả tiền đỗ xe thì có lẽ bạn vừa tình cờ thấy một bãi xe trống rỗng. Nếu bạn bất ngờ nhớ đến việc phải gọi cho ngân hàng để kiểm tra xem số tiền một triệu đô-la mà bạn trúng xổ số đã được gửi vào tài khoản của bạn hay chưa thì chắc chắn là có điều gì đó đã gợi cho bạn liên tưởng đến nó.
Sự liên tưởng điều khiển trí nhớ của chúng ta. Mọi thứ chúng ta nhớ ra đều được liên tưởng đến một điều gì đó. Sự liên tưởng có thể được thể hiện dưới mọi hình thức và qua tất cả các giác quan.
Khi cậu bé Danny nhìn thấy con hà mã, hình dáng nặng nề, đồ sộ của con vật đã khiến cậu bé liên tưởng đến bà cô quá khổ của mình.
Nếu bạn tình cờ gặp người đàn ông có hàng ria mép nhỏ, màu đen thì chắc hẳn bạn sẽ liên tưởng đến Charlie Chaplin. Cũng chính vì l do này mà có thể bạn sẽ gọi Bill, nhân viên mới vào làm, là Simon. Bởi vì anh ta nhìn rất giống với Simon mà bạn biết.
Nếu ai đó yêu cầu bạn vẽ bản đồ của nước Bỉ và Phần Lan, có thể bạn không nhớ cho dù bạn đã nhìn thấy hình dáng tổng thể của chúng trên tập bản đồ thế giới. Tuy nhiên, nếu người ta yêu cầu bạn vẽ bản đồ của nước Italia thì bạn có thể vẽ được. Tại sao vậy? Bởi vì, có thể trước đó bản đồ của đất nước này đã khiến bạn chú ý vì nó có hình một chiếc ủng.
Khi nào thì chúng ta chú ý? Và đây là câu trả lời: Khi nó được liên tưởng đến một điều gì đó tương tự.
Sự liên tưởng cũng liên quan đến các giác quan khác. Bài quốc ca làm cho bạn nhớ đến trận tranh chức vô địch của Liên đoàn bóng đá Hoa Kỳ. Một bài hát nhẹ nhàng của Elvis Presley, Bee Gees hay George Michael có thể gợi cho bạn nhớ lại những kí ức của quá khứ như: tình yêu đầu đời, những năm tháng thời niên thiếu, và thậm chí cả những người đã hâm mộ các ca sĩ này.
Mùi hương cũng gợi nhớ mạnh mẽ đến kí ức. Mùi mưa vào mùa thu có thể khiến bạn nhớ lại ngày đầu tiên đến trường. Mùi thơm của hoa tử đinh hương làm bạn nhớ tới một buổi đi dạo. Mùi của một loại kem chống nắng tạo ra cảm giác tự do cho nhiều người và dễ gợi nhớ đến kì nghỉ hè ở bãi biển.
Sự liên tưởng giúp chúng ta nhớ đến những điều mà chúng ta thậm chí không chủ định nhớ. Vì thế, nguyên tắc cơ bản là tạo ra sự liên kết mang tính liên tưởng đến những thứ mà chúng ta thật sự muốn nhớ.
Hãng Nike trả hàng triệu đô-la cho Tiger Woods để quảng cáo cho các sản phẩm của công ty. Đó không chỉ là sự hợp pháp hóa “Đây này, những tay gôn cừ nhất cũng đang sử dụng giày của chúng tôi”. Mục đích là để cho tất cả mọi người trên thế giới khi xem Tiger Woods chơi sẽ nhớ ngay đến hãng Nike, dù chỉ là vô tình.
Các siêu thị có quầy bánh mì phải đảm bảo rằng lò nướng bánh được đặt ở phía trước, nơi bạn có thể nhìn thấy, chứ không phải nằm ở một góc khuất nào đó. Họ làm vậy là để cho mùi thơm ngon của chiếc bánh vừa mới ra lò kết nối với các tế bào thần kinh trong bạn. Họ đang thực hiện mục đích của họ là xúi giục bạn mua bánh.
Bạn đã nghe nói đến thí nghiệm của Pavlov chưa? Bất kì ai đã nghe cũng có thể được gợi nhớ bởi sự liên tưởng đến một con chó đang nhỏ dãi.
Pavlov giới thiệu với toàn thế giới bằng chứng về việc bộ não hoạt động dựa trên cách thức tập luyện dần dần và sự liên kết. Trong thí nghiệm nổi tiếng của mình, Pavlov đã chứng minh được rằng điều này là có thể, bằng phương pháp học tập và rèn luyện, chúng ta có thể liên kết hai thứ chẳng hề liên quan đến nhau, thậm chí là không có bất cứ sự tương đồng nào.
Như chúng ta đã nói, cách ghi nhớ là tạo ra cách thức tập luyện dần dần và liên kết các liên tưởng tương tự như các Pavlov đã làm. Vậy làm cách nào để chúng ta làm được điều này? Bạn sẽ ngay lập tức nhận thấy trí nhớ của bạn đã tiến triển một cách đáng ngạc nhiên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Ý kiến của bạn giúp Blog hoàn thiện hơn.
Bạn có thể sử dụng một số thẻ HTML như <b>, <i>, <a>