21 tháng 9, 2011

Nhiệm vụ và sự sắp xếp khác!!!

Tại một cơ quan tôi (Eran Katz) từng đến, tôi nhìn thấy trên tường một danh sách liệt kê rất hài hước như sau: “Mười lời khuyên dành cho những người mệt mỏi”.
Nhiều người chắc hẳn sẽ nhận ra các cụm từ mấu chốt được ghi trong danh sách này. “Tôi sinh ra đã mệt mỏi nên nghỉ ngơi là nhiệm vụ của cuộc đời tôi”. “Nếu làm việc mang lại sức khỏe thì hãy để người bệnh làm”. “Nếu bạn thật sự muốn làm việc, hãy ngồi xuống một phút rồi cảm giác đó sẽ qua đi…” Trong số những câu nói được liệt kê, có một câu có thể liên quan đến tất cả chúng ta, đó là: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Bạn có thấy quen không?
Có ai chưa bao giờ trì hoãn điều gì? “Được, tôi sẽ làm nó ngày mai”. “Dù sao tuần tới tôi cũng ở Boston, tôi sẽ đến thăm cô Mary”. “Tôi không thích đến bưu điện, tôi sẽ thanh toán biên lai đó vào lúc khác”.
Và rồi hết ngày này qua ngày khác, hết tuần này qua tuần khác, đến tận tháng 9 rồi chúng ta chợt cảm thấy thất vọng vô cùng khi nhận ra mình đã không thanh toán biên lai đó. Phải, đáng lẽ biên lai này phải được thanh toán vào ngày 3 tháng 4.
Bất chợt chúng ta nhớ ra là mình chưa trả Sharon 50 đô-la đã vay. Thật ngại vì mình đã vay cô ấy cách đây hai tháng. Chúng ta thật sự muốn trả tiền…
Trước hết, tôi phải chỉ ra rằng việc trì hoãn các vấn đề không liên quan đến trí nhớ. Chúng ta có thể ghi lại trong sổ hẹn là ngày 17 tháng 6 chúng ta sẽ phải mang ô tô đi bảo dưỡng theo định kì hàng năm. Dù đã ghi lại nhưng khi ngày đó đến, chúng ta lại dễ dàng quyết định trì hoãn. Chúng ta đưa ra vô vàn lí do để hoãn lại đến ngày 19 tháng 6. Rồi chúng ta lại rời ngày 19 đến ngày 23. Lần này chúng ta đánh dấu KHẨN CẤP. Đến ngày 23 tháng 6, công việc này trở nên KHẨN CẤP!!! Và đến ngày 27 tháng 6 thì VÔ CÙNG KHẨN CẤP – ngày HÔM NAY!

Ảnh minh họa

Tất cả chúng ta đều cần luyện cho bản thân tính tự giác. Mục đích của cuốn sách này không phải dạy cho bạn tính tự giác. Trong chương này, chúng tôi sẽ quan tâm đến những thứ thật sự đã trôi tuột khỏi tâm trí chúng ta và về những công việc mà chúng ta có ý định làm ngày hôm nay.
Bước đầu tiên, bắt đầu bằng việc lập kế hoạch cho ngày mai. Viết ra một danh sách các công việc mà chúng ta muốn ghi nhớ để thực hiện.
Ngày mai chúng ta phải làm các công việc sau:
1. Trả đĩa phim DVD đã thuê.
2. Trả Sharon 50 đô-la đã vay (KHÔNG ĐƯỢC quên).
3. Soạn báo cáo kinh doanh.
4. Đến bưu điện nộp phạt đỗ xe và mua 20 cái tem.
5. Sinh nhật Monica – gửi hoa.
Mỗi người có một cách riêng để ghi nhớ các công việc thường nhật. Một số người sử dụng giấy ghi chép, một số người dùng lịch, còn một vài người khác lại dùng một loại giấy ghi chú…
Việc sử dụng các kĩ thuật ghi nhớ không phải chỉ để thay thế giấy ghi chú hay các công cụ khác, mà nó có tác dụng hỗ trợ ta trong các trường hợp khi không thể dùng giấy ghi chú. Lí do chính cần đến kĩ thuật ghi nhớ là vì một hiện tượng khá phổ biến mà tôi gọi là: “các cuộc tấn công trí nhớ bất thình lình”.
Tôi đang nói đến những trường hợp chúng ta cần ghi nhớ một vài điều quan trọng nào đó trong khi đang phải làm một việc khác nữa. Trong những trường hợp này, công việc đang làm không cho phép ta giải quyết hay thậm chí viết ra công việc cần làm để chúng ta có thể xử lí sau đó.
Chẳng hạn bạn đang lái xe thì bỗng nhiên nhớ ra Suzie đã gọi điện cho bạn sáng nay. Bạn đã hứa là sẽ gọi lại cho cô ấy (nhưng bạn đã không gọi lại) và điện thoại của bạn hết pin.
Bạn đang nói chuyện với một khách hàng thì bất chợt nhớ ra mình phải gửi đơn đặt hàng cho một trong những nhà cung cấp của bạn.
Khi bạn đang đi thang máy thì hình ảnh của David xuất hiện trước mắt bạn. Bạn chợt nhớ ra là mình đã hứa với anh ấy sẽ có câu trả lời về buổi hòa nhạc tối nay.
Trong tất cả các trường hợp trên, việc sử dụng giấy ghi chú là không thể. Giấy ghi chú sẽ không nhắc nhở ta trả Sharon 50 đô-la ngay khi nhìn thấy cô ấy. Trong khi Sharon và bạn đang mải mê chuyện trò thì chỉ có trí nhớ của bạn mới có khả năng cứu nguy cho bạn mà thôi.
Vì vậy, bây giờ chúng ta sẽ học cách “treo” các công việc vặt này trên các đồ vật mà ta đã liệt kê ở chương trước. Điều này có nghĩa rằng bạn phải lưu chúng trong trí nhớ lâu dài của bạn. Chúng ta sẽ phải sử dụng đến phương pháp RomanRoom.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Ý kiến của bạn giúp Blog hoàn thiện hơn.
Bạn có thể sử dụng một số thẻ HTML như <b>, <i>, <a>