23 tháng 4, 2012

Sự tha thứ.

            “ Sự tha thứ là hương hơm mà hoa violét để lại trên gót giày đã giẫm nát nó”.

                                                                                                Mark Twain
            Đây là điều đã xảy ra. Chúng ta tạo ra những qui tắc bên trong đầu ta về cách cư xử của người khác. Khi người ta vi phạm qui tắc, chúng ta ghét họ. Ghét họ vì họ lờ đi những qui tắc của bạn làm bạn khó chịu.
            Hầu hết chúng ta đều cho rằng chúng ta có thể phạt người khác bằng cách không tha thứ cho họ -  đó là : «  Nếu tôi không tha thứ cho bạn, bạn phải chịu đựng ». Thật ra, chính tôi phải là người chịu đựng. Tôi bị đau bao tử, bị mất ngủ.
            Lần tới nếu bạn ghét ai đó thì hãy nhắm mắt lại và chiêm nghiệm cảm xúc của bạn. Hãy chứng nghiệm qua thân thể của bạn. Làm cho ai đó cảm thấy có lỗi là làm  cho chính bạn đau khổ.
            Con người làm cái họ phải làm, biết cái họ phải biết. Dù có làm cho họ cảm thấy có lỗi thì cũng chẳng có gì thay đổi -  trừ việc nó làm bạn thêm phiền muộn. Mọi việc cứ theo cách của nó. Nếu một con chim hải âu chụp trên đầu bạn thì bạn có ghét chim hải âu không ? Vậy tại sao lại ghét người khác ? Chúng ta đâu thể nào kiểm soát người khác vì chúng ta cũng không kiểm soát được bão và hải âu. Vũ trụ không hoạt động dựa trên tội lỗi và sự buộc tội – đó là những cái chỉ do con người tạo nên.

            Trong khi chúng ta nói đến sự tha thứ thì hãy tha thứ cho bố mẹ trước. Rõ ràng họ không hoàn hảo. Nhưng khi bạn còn nhỏ, cha mẹ bạn đâu có những quyển sách tâm lý dạy cách làm bố mẹ, và họ phải lo biết bao nhiêu việc khác ngoài việc nuôi dạy bạn ! Dù họ có sai chỗ nào thì đó là chuyện quá khứ. Ngày nào bạn còn chưa tha thứ cho cha mẹ thì ngày đó bạn còn làm khổ cuộc đời mình.
            Đau đớn là điều không thể tránh khỏi, nhưng có thế chọn lựa để không đau khổ
            Bạn nói : « Nếu ai đó làm chuyện gì thật khủng khiếp, tôi cũng tha thứ cho anh  ta sao ? »
            Tôi có một người bạn tên là Sandy McGregor. Vào tháng 1 năm 1987, một người thanh niên cầm một khẩu súng ngắn đi vào đại sảnh nhà anh và giết chết 3 em gái. Bi kịch mà  Sandy nhìn thấy đã biến thành nỗi đau khổ và giận dữ cho riêng anh. Một số người trong chúng tôi hiểu anh đã phải chịu đựng như thế nào.
            Nhưng với thời gian và sự giúp đỡ của bạn bè, anh đã quyết định rằng muốn sống cuộc đời mình cho tốt thì anh phải bỏ qua nỗi giận dữ và tha thứ cho tên giết người đó. Sandy dành thời gian của mình để giúp cho người khác học được cách tha thứ và quên đi sự căm thù, ngay cả trong tình huống khủng khiếp nhất. Sandy thường nói là anh ta khắc phục sự căm thù của anh vì lợi ích của chính anh và cho sự tồn tại của anh.
            Tôi để ý rằng những người đã trải qua những biến cố như Sandy thường chia thành hai nhóm. Một là những người cứ giam hãm mình trong cảm giác tức giận và cay đắng. Hai là những người có được sự sâu sắc và lòng trắc ẩn phi thường.
            Những sự kiện biến đổi được chúng ta không phải là cái ta có thể chọn lựa. Nhưng như người nào đó đã nói, chúng ta không bao giờ muốn trải qua những gì mình trải qua, để trở thành người mà mình muốn trở thành. Mỗi chúng ta đều phải chia phần chịu đựng bệnh tật, tai họa, sự chán nản, cô đơn… Sau mỗi lần mất mát hay đau đớn là quá trình chịu đựng. Nhưng điều quan trọng nhất là kinh nghiệm đó làm cho bạn cứng rắng hơn hay mềm yếu đi.
            Bất kỳ ai trong chúng ta chịu ít thử thách hơn Sandy thì sự chọn lựa là giống nhau. « Bạn có muốn sống cuộc đời có ý nghĩa hay không ? »

            Tôi có buộc phải yêu thương ( hay ít ra là thích) bản thân tôi ?
            Có ! Những người không thích bản thân sẽ bị đau khổ suốt đời !
            Nhiều người không chịu được ý nghĩ » yêu thương chính bản thân mình ». Vậy mà họ lại muốn người bạn đời yêu thương họ ! Có ngớ ngẩn không chứ ? Làm sao tôi có thể nói : «  Tôi không thể yêu thương bản thân mình » và rồi tức giận với vợ tôi vì cô ta không yêu thương tôi ? Rõ ràng, để có được một quan hệ bền vững, bạn phải biết yêu chính mình.
            Chúng ta không thể cho ai cái mà chúng ta không có. Chúng ta không thể chấp nhận người khác đúng như bản chất của họ nếu không thể chấp nhận chính bản thân chúng ta. Khi chúng ta bị những thiếu sót của bản thân làm cho mụ mị thì chúng ta thường tìm kiếm những thiếu sót này nơi người khác và hy vọng sẽ làm cho mình cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng khi tìm được thì mình lại chẳng thấy dễ chịu chút nào.
            Nếu cứ tập trung vào cái dở của chính mình, cuộc sống sẽ tiếp tục trừng phạt chúng ta, và chúng ta sẽ trừng phạt chính chúng ta. Bằng chứng là chúng ta tiếp tục bệnh hoạn, nghèo khô và cô đơn. Chừng nào chúng ta không chấp nhận bản thân mình thì đừng có trông đợi mọi người thích chúng ta, và rồi đổ lỗi cho họ.
            Yêu thương bản thân có nghĩa là gì ?
            Nói cho đơn giản nhất thì đó là tha thứ cho chính bạn. Điều đó có nghĩa là thừa nhận rằng bạn đã cố gắng hết sức theo cách của bạn cho đến lúc đó. Đừng cho là mình có lỗi. Hãy quên đi sự hoàn hảo và nhắm đến việc cải thiện.
            Tha thứ cho bạn vì những yếu kém của riêng bạn và bạn sẽ tự động bỏ qua cho người khác những điều tương tự. Người khác sẽ phản ánh hình ảnh của chính bạn. Nếu bạn chú ý thì sẽ luôn nhận được thông điệp rằng mình nên trưởng thành như thế nào. Chính bạn mới là trung tâm của vấn đề.
            Vì lợi ích của con cháu chúng ta, chúng ta phải chấp nhận bản thân mình. Trẻ con noi gương chúng ta. Nếu bạn tự hành hạ mình thì chúng  cũng sẽ tự làm khổ mình -  và làm khổ chính bạn nữa !
           
ĐÚC KẾT
            Khi chúng ta tha thứ cho bản thân, chúng ta không phê bình người khác nữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Ý kiến của bạn giúp Blog hoàn thiện hơn.
Bạn có thể sử dụng một số thẻ HTML như <b>, <i>, <a>