21 tháng 8, 2012

Kỳ vọng của chúng ta.


 BẠN CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC NGƯỜI KHÁC ĐỐI XỬ VỚI BẠN THẾ NÀO?

Nếu bạn không thích những gì mình co được thì hãy thay đổi việc bạn đang làm, bạn có quyền chọn lựa cách người khác đối xử với bạn. Thường thì chúng ta đổ lỗi cho người khác. Nếu không hợp tác được với ai hay quan hệ nào của bạn đổ vỡ thì chính bạn cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu ai đó đối xử tệ với bạn, bạn cũng có lỗi một nửa.

Hãy xem trường hợp của Helen.Cô bị chồng đối xử không ra gì. Cô than thở: “Tôi là người hầu cho chồng tôi, Brutus. Tôi chỉ nghe theo lệnh của anh ta. Anh ta không bao giờ giúp tôi trong công việc nhà, chúng tôi chỉ đến những nơi mà anh ta muốn. Brutus không bao giờ cho riêng tôi đồng nào. Hắn xem tôi như rác rưởi, chẳng thèm biết đến những việc tôi làm…” Helen là đối tượng quyết theo đến cùng việc mình đã làm. “Tôi đã làm gì để phải chịu thế này?”

Vì thế nếu bạn hỏi Helen: “Tại sao cô không phản ứng lại Brutus?” Helen sẽ nói: “Tôi đã thử một lần nhưng anh ta nổi xung lên và đập phá nhà cửa, vì thế tôi nhận ra là không đáng phải làm thế, tôi cứ làm theo những gì anh ta muốn cho rồi…”

Helen có thể không nhận ra rằng chính cô ta đã làm cho Brutus quen như thế. Tôi có thể cá với bạn, Brutus không ăn hiếp những người khác nhưng ai cho phép thì anh ta sẽ làm như thế. Cho đến nay, Helen đã chọn cái dễ làm nhất – không chịu trách nhiệm, tỏ ra yếu đuối, tắm trong sự thông cảm của bạn bè cô và đổ hết mọi cái cho Brutus, gã phàm phu. Nếu Helen thay đổi cách cư xử với chồng thì có thể thay đổi anh ta.

Helen nên làm gì? Trước hết, cô phải tôn trọng bản thân mình trước. NHỮNG NGƯỜI KHÁC CHỈ TÔN TRỌNG CHÚNG TA KHI CHÚNG TA TÔN TRỌNG BẢN THÂN MÌNH.. Khi Brutus cảm thấy Helen đòi hỏi được đối xử tốt thì anh ta sẽ bắt đầu thay đổi thái độ của mình. Những người bị ngược đãi luôn có thái độ: “Tôi cá là anh sẽ xử tệ với tôi – tôi sẽ cho anh làm thế nhưng sẽ đổ lỗi cho anh”.

Helen có nhiều lựa chọn. Cô có thể nói: “Brutus, nếu anh đập phá nhà cửa nữa thì tôi sẽ ra khỏi nhà này trong một tháng”. Anh ta biết rằng kể từ bây giờ trở đi, cô muốn được đối xử như một con người. Cô có thể quyết định không sống với gã đó nữa và ra đi vì quyền lợi của cô.

Trong bất kỳ quan hệ nào hay điệu nhảy nào cũng phải có hai người. Hai bên đều phải chịu trách nhiệm và cả hai bên đều được thưởng phạt tùy theo thái độ của họ. Helen đã chối bỏ trách nhiệm, tránh thực hiện những quyết định khó khăn và đổ lỗi mọi việc cho Brutus. Brutus mặt khác lại có một người vợ - người hầu, sẵn sàng làm mọi cái anh yêu cầu và có chuyện gì thì lỗi cũng tại vợ anh ta.

Cả hai người đều tham gia phát triển và làm tan vỡ mối quan hệ. Dù sao, thật dễ tỏ ra khách quan trong vấn đề của người khác hơn là của mình! Tôi biết một cặp sắp ly hôn. Cô vợ lúc nào cũng ở nhà, đọc tiểu thuyết và ngủ. Cô ta không nấu nướng và chẳng dọn dẹp nhà cửa. Cô tin rằng nên mua thức ăn sẵn để trên bàn khi anh chồng về tới nhà. Nhưng nhiều lần anh về nhà chưa thấy có đồ ăn, anh chồng hét lên và phá tan hoang căn nhà. Anh ta nghĩ rằng mình sống cùng với một kẻ lười biếng, vô tích sự và rằng cô ta 100% sai. Cô ta thì nghĩ anh ta bị tâm thần và tất cả là lỗi tại anh.

 Tôi đoán rằng bài học cho chúng ta tại đây là nếu chúng ta nghĩ bạn đời của mình có lỗi thì KHÔNG HẲN NHƯ VẬY.

Trong các gia đình bạn sẽ thường thấy đứa con làm chủ. Nó ra lệnh cho bố mẹ: “Bố, lấy vớ cho con…”, “Mẹ, cho con ăn bánh..”, “Bố mẹ, đưa con đi chơi công viên…”

Cha mẹ khổ sở “Sao mình lại phải thế này nhỉ? Nguyên do là vì họ đã nuông chiều con họ từ nhỏ. Họ dạy cho con họ cư xử với họ như thế - sai họ như đày tớ.

Bạn phải dạy con mình. Nếu một đứa bé 8 tuổi có thể học vi tính thì cũng có thể học rửa chén. Nếu nó đủ thông minh để chơi trượt patin thì cũng phải biết ủi đồ. Hãy dạy cho con biết bạn không phải lúc nào cũng phục vụ cho nó và con cái phải góp sức cùng bố mẹ.

Bạn có bao giờ nghe một bà mẹ nói: “Trong nhà tôi chẳng ai biết nói CÁM ƠN cả!” Vì sao có chuyện đó? Vì bà mẹ không nói cho chúng biết phải cư xử như thế nào mới phải phép. “Sáu đứa con của tôi lớn lên và lập gia đình. Nhưng chưa bao giờ chúng mở miệng cám ơn cái gì!”

Vậy nếu những năm trước đó bà dạy cho con “Phải biết nói cám ơn để biểu hiện sự tôn trọng và biết ơn. Khi mẹ nấu cho các con ăn, mẹ muốn được nghe một lời cảm ơn. Nếu thứ Năm mà các con quên cám ơn thì thứ Sáu hãy tự nấu lấy mà ăn. Nếu con không cám ơn mẹ vì mẹ đã chở con đi chơi thì lần sau con nên đi bộ” thì có lẽ bây giờ không phải hết lời than thở…

        Đối xử với những người lạm dụng lòng hiếu khách

Bạn có gặp những người cứ đến nhà bạn mà không muốn hay không cần biết khi nào nên ra đi không? Có thể họ ở lại từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng hay từ Giáng sinh cho đến tận ngày đón năm mới.

Chúng ta cần học cách cư xử với những người này mà không phải căng thẳng gì cả - hãy thoải mái khi nói: “Như thế này thật không tiện…”

Tương tự, những người khác có thể có thói quen làm mất thời gian của bạn. Nếu bạn muốn dành thời gian cho họ thì không sao. Nhưng để tránh tình huống phải cố gắng vui vẻ và chuyện trò với ai đó để rồi ghét cay ghét đắng khi họ đi thì đừng nên hy sinh chỉ vì lịch sự.

Một số người sẽ vui vẻ làm cho bạn chán đến chết bằng những câu chuyện triền miên không dứt mà bạn đã nghe cả chục lần. Trừ phi bạn chuyển đổi đề tài hay ít nhất yêu cầu họ rút ngắn lại câu chuyện, nếu không họ sẽ không thương tiếc gì bạn. Rõ ràng, nên tế nhị và thân thiện, nhưng nếu ông bạn hàng xóm cứ cà kê dê ngỗng thì đừng nghe ông ta nữa.

Hãy tôn trọng thời gian của riêng bạn, và mặc dù vẫn lịch sự bạn nói: “Anh bạn hàng xóm à, tôi rất vui khi anh dành thời gian kể chuyện này cho tôi nghe. Có thể anh ngạc nhiên là anh đã kể cho tôi nghe chuyện này” hoặc “Tôi không có thời gian ngay bây giờ, anh có thể nói những điểm chính thôi được không?”

Tương tự với những người hay than phiền và trách móc, bạn không cần phải nghe người ta nói mãi. Hãy phản ứng. Bạn có thể nói: “Tôi không nghĩ cách này tốt cho cả hai chúng ta tí nào. Hãy làm cái gì đó có tính cách xây dựng hơn để giải quyết vấn đề”.

Một số người thích được làm cho bạn cảm thấy có lỗi. “Anh làm tôi thất vọng…” “Sau tất cả những gì tôi đã làm cho anh…” Đừng có nghe họ. Cảm giác có lỗi sẽ làm hại bạn. Hãy hướng sự chú ý của họ vào trọng tâm vấn đề và hỏi thẳng họ “Anh đang cố làm cho tôi cảm thấy có lỗi, phải không?” Thường thì họ sẽ hiểu ra và bỏ đi.

ĐÚC KẾT: Nếu người ta không tôn trọng bạn, chiếm dụng thời gian của bạn hay đối xử tệ với bạn. “Tôi đang làm gì để khuyến khích họ đối xử với tôi như thế?” Nếu bạn muốn họ thay đổi thì bạn phải thay đổi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Ý kiến của bạn giúp Blog hoàn thiện hơn.
Bạn có thể sử dụng một số thẻ HTML như <b>, <i>, <a>