NẾU BẠN ĐỂ CHO MÌNH BỊ ĐỐI XỬ TỆ BẠC BỞI NHỮNG NGƯỜI BẠN YÊU THƯƠNG THÌ KẾT CỤC LÀ BẠN SẼ GHÉT HỌ.
Khi nào thì bạn nên vạch rõ giới hạn giữa sự kiên quyết và thói hay gây gổ? Khi nào thì chúng ta đang phản đối, còn khi nào là chống đối?
Rõ ràng phải hiểu rõ ranh giới này, và bạn phải đòi được đối xử công bằng cho bản thân mình và cho những người mình yêu thương. Nếu chúng ta chỉ coi đó là vấn đề của riêng chúng ta thì chúng ta sẽ thành nạn nhân và sẽ gặp nhiều rắc rối hơn.
Con người thường nhân danh “quyền” của họ. John nói: “Tôi có quyền được đối xử công bằng, được phục vụ tốt và được tôn trọng!” Nhưng không phải đây là cái quyền. Đây là vấn đề cư xử của bạn để được đối xử như bạn muốn.
Các quy luật tự nhiên không dính dáng đến những quyền nào đó. Chúng không quy định một người thợ sửa ống nước phải tính bạn bao nhiêu khi thay bồn rửa trong phòng tắm nhà bạn. Nó cũng không biết được ở mức độ nào thì những hành vi thô lỗ của nhân viên ngân hàng có thể ảnh hưởng đến bạn, hay tác động bằng cách này hay cách khác đến quyết định của ông chủ trong việc tăng lương của bạn…
Nhiệm vụ của bạn là quyết định một cách đơn giản điều gì tốt cho bạn và rồi bạn hành động. Nếu bạn muốn khiển trách một người bồi bàn vì đã làm rơi kính của anh ta vào món súp của bạn thì cũng được. Mà nếu bạn không muốn động đậy gì thì cũng chẳng sao.
Không có quy luật nào được viết trên bầu trời nói rằng bạn không được phàn nàn về những người lái xe taxi bất lịch sự, hay về việc chồng bạn chọn chương trình truyền hình như thế nào.
Khi tỏ ra kiên quyết, những hướng dẫn sau sẽ giúp bạn đạt được kết quả:
a) KHÁCH QUAN: Khi bạn phàn nàn về một tình huống nào đó, đừng thổi phồng nó lên hay bắt đầu trách cứ. Ví dụ khi ai đó hút thuốc gần bạn trong máy bay thì bạn nên nhận xét: “Khói thuốc của ông thổi vào mặt tôi khi tôi đang ăn, Xin ông vui lòng đừng hút được không ạ?” Cách này sẽ hiệu quả hơn là bảo: “Ông dẹp quách điếu thuốc của ông đi cho!”
Chúng ta thường hay dùng “KHÔNG BAO GIỜ” hoặc “LÚC NÀO CŨNG”. Ví dụ: “lúc nào anh cũng đến muộn”. Hay “Anh chẳng bao giờ nghe em nói”. Kiểu thổi phồng này xúc phạm người khác.
Tương tự, chúng ta cần công bằng và chính xác trong ý kiến của mình- “Khói thuốc của ông làm tôi nghẹt thở” cũng là một sự nói quá.
b) CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CẢM XÚC CỦA MÌNH. “Anh ăn món mỳ sao nghe ồn quá, tôi không thoải mái được. Tôi thấy ngại vì những người khác trong nhà hàng cứ nhìn anh chằm chằm” thay vì “Anh làm tôi phát bệnh. Ước gì có ai tống khứ anh đi chỗ khác!”.
Phải chọn phản ứng của bạn đúng mực chứ đừng đổ lỗi cho người khác. Dùng những cụm từ như: “Tôi cảm thấy khó chịu”, “tôi thấy…” thay vì “anh làm tôi phát bệnh”, hay “anh thật tởm…”
c) HÃY RÕ RÀNG VỀ ĐIỀU BẠN MUỐN. Ví dụ: “Tôi muốn gặp ngay ông quản lý của nhà hàng này”, hay “Trước khi thanh toán, tôi muốn có chứng từ chi tiết về vật liệu nhân công”. Hãy nói CHO cụ thể với người khác. Kiểu nói mơ hồ như: “Hãy sáng suốt một chút”, “Học lấy vài điều!” “Đừng bòn rút của tao nữa!” không giúp ích gì.
d) NÓI RÕ HẬU QUẢ. Chẳng hạn, khi ông hàng xóm mở nhạc om xòm, bạn có thể nói: “Nếu ông giảm bớt tiếng nhạc thì lần tới khi tôi tổ chức tiệc, tôi cũng sẽ làm thế!”
Hãy nói rõ lợi ích của cả hai phía khi cả hai cùng hành động đúng. Hãy dùng lối nói tích cực chứ đừng nói cái tiêu cực. Bạn cũng nên nói mình sẽ nỗ lực về phía mình nếu họ cố gắng.
Nếu chúng ta muốn được đối xử công bằng thì phải đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng. Chúng ta gặt được những gì mình gieo trong cuộc đời. Cho đi cái gì thì nhận lại cái đó. Nếu ông hàng xóm cứ mở hết cỡ dàn máy hi-fi của mình làm cho bạn mất ngủ nhiều đêm thì bạn nên nói cho ông ta biết. Nhưng ông ta có nghe bạn nói hay không thì tùy thuộc vào cách nói của bạn…
Tóm lại khi phát biểu quan điểm của mình thì đừng bắt đầu bằng lời xin lỗi như: “Tôi xin lỗi đã làm phiền bạn nhưng bạn đang giẫm lên chân tôi”. Xin lỗi làm cho người khác nghĩ là bạn hèn nhát.
Không cần phải xin lỗi, chỉ cần nói cho người ta biết điều họ cần biết.
Tương tự, sẽ có cơ may đạt được nhiều kết quả hơn nếu bạn xử lý mỗi lần chỉ một vấn đề. Cái này rất cơ bản nhưng chúng ta thường bỏ quên. Ví dụ, “Đừng ăn nhiều thế, thôi rền rĩ đi và nghiêm chỉnh lại một chút, kiếm việc mà làm hay làm giúp việc nhà với”. Như thế là quá nhiều và không ai chịu nhượng bộ cả. Việc nào cần thì nói trước rồi lần khác sẽ bàn đến cái tiếp theo.
Đôi khi bạn bị phản đối và bị người khác phủi đi bằng những câu quen thuộc như:
“Lâu nay đâu có ai nói vậy!”
“Sao anh nhỏ mọn quá vậy?”
“Tôi không có thì giờ để nghe lúc này!”
Bạn cần phải biết cách phản ứng, chẳng hạn như:
“Tôi nói lúc này vì tôi cho nó là quan trọng”.
“Tôi không cho là mình nhỏ mọn…”
“Nói cho tôi nghe khi nào anh rảnh để nói chuyện?”
ĐÚC KẾT: Khi bạn phát biểu quan điểm của mình bạn nên khách quan. Chỉ nên nói bạn cảm thấy thế nào, chính xác là về cái gì chứ đừng buộc tội hay nói chung chung. Bạn sẽ đạt được hoặc không đạt được điều gì mình muốn. Nhưng khi bạn thắng tức là bạn đã kiểm soát được tình hình và có được cái bạn muốn. Khi bạn thua thì bạn cũng thấy dễ chịu hơn vì đã bộc lộc được cảm xúc của mình.
Nhưng hãy linh động
Học được cách nói “không” rồi thì bạn nên nhớ là có lúc bạn phải trả giá cho việc phản đối người khác – vì phải xáo trộn kế hoạch của họ.
Một việc làm gián đoạn lịch biểu dày đặc của chúng ta đôi khi thật sự cho phép chúng ta được nghỉ ngơi một cách cần thiết.. Nhưng hãy chuẩn bị. Phải nghĩ kỹ trước khi nói “không, xin cám ơn”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Ý kiến của bạn giúp Blog hoàn thiện hơn.
Bạn có thể sử dụng một số thẻ HTML như <b>, <i>, <a>